Không lo dồn sức xóa đói giảm nghèo ngay từ bây giờ thì đợi đến bao giờ?

Những ngày này, truyền thông thế giới truyền tay nhau câu chuyện về Michelle Phan, về quyết định rời bỏ Youtube, tận hưởng cuộc sống tự do bằng cách chu du thế giới trong gần 1 năm trời. Trong câu chuyện của mình, một thông điệp được truyền tải và gây ấn tượng với không ít người: "Thật giàu hay thật nhiều tiền cũng chẳng để làm gì".

Gượm đã! Chẳng - Để - Làm - Gì - Ư? Điều này có chút gì đó sai sai?

Michelle quyết định gác lại mọi thứ, chỉ vì cô cảm thấy mình quá kiệt quệ, quá lao lực trước những áp lực qua 10 năm làm nghề. 10 năm qua, từ một cô bé nghèo khó, Michelle Phan giờ đây có riêng cho mình một đế chế làm đẹp với gia sản cả trăm triệu đôla. Từ nghèo đến giàu là cả một quá trình dài 10 năm đằng đẵng, rút mòn tuổi xuân và sức khỏe (và cả da mặt) đối với nghề của cô.

Câu chuyện của Michelle Phan dường như là một ví dụ hay cho việc "tận hưởng" để tìm lại bản thân, tìm lại cảm hứng sống và làm việc. Thế nhưng, khi ngồi đọc lại quá trình mà Michelle tạm gác lại công việc để chu du thế giới, có vẻ như nhiều người đã nhầm tưởng về một lối sống "YOLO", hưởng nhiều hơn kiếm, mặc kệ cái gọi là hiện thực đang bủa vây.

Tôi không chắc về suy nghĩ này, nhưng có một câu mà đám bạn sinh viên của tôi thuở mới ra trường tập tọe đi làm vẫn khích lệ nhau: "Giàu chưa chắc đã vui, nhưng nghèo chắc chắn là buồn". Tin tôi đi, kim chỉ nam này đang làm tốt công việc của nó, khi biến những cô cậu từ miền quê nghèo xơ xác ra thành phố học tập trở thành những nhân viên mẫu mực, chăm chỉ. Và tất nhiên, tài chính của chúng nó cũng chẳng còn dựa vào bố mẹ mà thay vào đó - nuôi cả thầy u dưới quê.

Báo mạng mỗi ngày lại đưa ra những hình ảnh về cậu ấm, cô chiêu du lịch vòng quanh thế giới, kèm theo đó là những bình luận xuýt xoa ghen tị, vô hình chung khiến tất cả chúng ta cảm thấy "kém miếng khó chịu" khi không được sung sướng bằng. Vậy là lại ước mơ, lại ghen tị với con nhà người ta, lại nảy sinh cái suy nghĩ phải tận hưởng nhanh, tận hưởng gấp lên thôi.

Nhưng xin thưa, tuổi trẻ của chúng ta thì chẳng mấy tí, nhưng tuổi già lại rình rập tới tận giường mỗi giây. Không lo dồn sức xóa đói giảm nghèo ngay từ bây giờ, bạn định để khi già cả lú lẫn vẫn chạy vạy lo ăn lo mặc?
Không lo dồn sức xóa đói giảm nghèo ngay từ bây giờ, bạn định để khi già cả lú lẫn vẫn chạy vạy lo ăn lo mặc?
Đừng lôi Michelle Phan ra ở đây để nói rằng, làm nhiều quá là kiệt quệ như cô ấy đấy! Michelle Phan dám rời xa tất cả và dám tận hưởng mọi thứ, đơn giản là vì cô ấy đã giàu rồi! Và cả vì cô ấy đã có 10 năm cật lực làm việc đến mức kiệt quệ, 10 năm với những đêm thức trắng, bắt đầu từ con số 0 trước cái webcam trong máy tính, để rồi từng bước từng bước một xây dựng con đường sự nghiệp vững chắc hơn. 10 năm với những thành công và thất bại, những lần vấp ngã liên tục rồi lại đứng lên.Và đây chính là thời điểm cô ấy có thể tự cho mình dừng lại một chút, nghỉ ngơi sau khi mài cả tuổi trẻ của mình ra thành cơm ăn, áo mặc cho không chỉ mình mà cả trăm nhân viên phía dưới (và cả một gia đình trên vai, tất nhiên!)

Bạn đã hiểu ý tôi ở đây chưa? "Người ta giàu mà suy nhược", cái vế này vẫn ổn hơn so với việc "Đã nghèo lại còn khủng hoảng".

Chính bản thân Michelle Phan cũng từng chia sẻ nỗi ám ảnh của cô ấy chính là việc mọi người xung quanh (và cả bản thân cô) quá nghèo. Nó trở thành nỗi sợ và rồi là động lực để rồi cô gái ấy vươn lên, trở thành một trong những beauty blogger giàu nhất và thành công nhất. 30 tuổi, nói một cách bình dân, cô ấy đã thoát nghèo, tự làm chủ được tài chính của mình (và tài chính của hàng trăm nhân viên dưới quyền). Còn tuyệt đại đa số chúng ta, vẫn chẳng phải cậu ấm cô chiêu gì, lại lỡ cỡ ở dạng không nghèo mà cũng chẳng giàu, không cố gắng vì mình, vì tương lai bớt than bớt vãn do túng thiếu vài trăm bạc cuối tháng, thì vẫn là những người ngồi trước màn hình máy tính, thèm thuồng được du lịch rong chơi. Vậy thì tôi hỏi bạn, chưa làm được gì to tát, sao đã vội tính đến chuyện nghỉ ngơi?

Xin đừng hiểu nhầm ý tôi về việc đề cao giá trị vật chất, chỉ đơn giản rằng chúng ta lớn lên từng ngày, đối diện với sự thật thảm khốc của thế giới người lớn: KIẾM TIỀN. Đây là một cuộc chiến thực sự với đối tượng lao động trải từ những em bé bán tăm bông dạo đến những bà cụ già tuổi ở ngưỡng gần đất xa trời vẫn bươn chải kiếm từng đồng một nuôi thân.

Dù muốn hay không, bạn vẫn phải công nhận đồng tiền mang đến cho ta được, và cả mất. Nhưng được thì vẫn nhiều hơn mất, chứ mất mà nhiều hơn được thì cuộc chiến này chẳng còn nhiều đắng cay.

Tất nhiên, tôi không cổ súy cho việc làm việc bán mạng kiếm tiền. Kiếm tiền là để sống, chứ không phải để chết. Điều mà tôi nghĩ nên được thức tỉnh nhiều hơn đối những ai trong lứa tuổi của tôi, chính là suy nghĩ không ngại khó, không ngại khổ để kiếm được đồng tiền chân chính. Cũng đừng nên vì thấy người ta có cuộc sống nhung lụa quá, mình cũng đòi phải được ăn sung mặc sướng như họ mà chẳng mảy may động chạm chân tay hay đầu óc vào việc gì.

Và mới đây nhất, các nhà khoa học nào đó lại tuyên bố rằng: "Du lịch nhiều sẽ khiến bạn hạnh phúc". Du lịch vui chơi tận hưởng trải nghiệm, ai lại không thấy vui và hạnh phúc cơ chứ, đến chúng ta dù chẳng phải nhà khoa học nào cũng cảm nhận được điều này. Cái vấn đề là, làm sao để được đi du lịch? Rõ ràng, một tính chất mang tính suy ra ở đây, bạn có tiền => bạn đi du lịch => bạn hạnh phúc.

Nói rút gọn hơn, nếu bạn dư dả thì bạn sẽ có điều kiện trở nên hạnh phúc hơn. Nhưng hãy nhớ: "Đừng bao giờ coi tiền là hạnh phúc, hãy coi tiền là công cụ để có được hạnh phúc".
Đừng bao giờ coi tiền là hạnh phúc, hãy coi tiền là công cụ để có được hạnh phúc
Cuối cùng, nếu như bạn vẫn lăn tăn với câu hỏi: "Thật giàu hay thật nhiều tiền cũng chẳng để làm gì". Tôi có một gợi ý, như chính câu chuyện "detox tâm hồn" của Michelle Phan: "Giàu là để khi nào mệt mỏi và kiệt quệ, thì ít nhất, chúng ta vẫn có tiền để đi du lịch thanh lọc tâm hồn, tự cho mình thanh cao khi không màng tới tiền bạc lúc này".
Donate MoMo: 035.45.48.599
Bài đăng mới hơn Bài đăng mới hơn Bài đăng cũ hơn Bài đăng cũ hơn

Bài đăng khác

Nhận xét

Đăng nhận xét